Trong vòng 3 năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tại Việt Nam ở trong tình trạng phát triển nóng, với mức tăng trưởng bình quân 45%/năm. Và một điều không bình thường khi có sự tham gia đáng kể của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân với khoảng 15% lượng phát hành hiện nay.

Không phải chỗ cho NĐT cá nhân
Không như các loại cổ phiếu được niêm yết, TPDN là một loại tài sản đầu tư tài chính đòi hỏi NĐT phải thật am hiểu sản phẩm và cần rất nhiều thông tin, thường là thông tin không được công bố rộng rãi để đánh giá mức độ rủi ro của TP.
Một tài liệu chào bán TP (prospectus) thường có nội dung từ hàng chục đến hàng trăm trang với nhiều điều khoản, thuật ngữ có khi còn hóc búa đối với người đã có nhiều kinh nghiệm.
Vấn đề bất cân xứng thông tin giữa bên phát hành TPDN và NĐT, đòi hỏi NĐT phải có nguồn lực nhất định để tự thu thập và phân tích thông tin, hoặc thông tin có được từ các tổ chức trung gian xếp hạng tín nhiệm.
Các thông tin cần thiết để đánh giá được khả năng trả nợ của bên phát hành liên quan đến dòng tiền trong tương lai, cấu trúc nợ, lợi nhuận...
Ngoài ra các thông tin về quản trị DN, chiến lược quản trị rủi ro, hay thị trường và các yếu tố vĩ mô có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến khả năng trả nợ của DN phát hành.
Chính vì vậy, NĐT TPDN chủ yếu là NĐT tổ chức như các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư, các ngân hàng. NĐT cá nhân hiếm khi đầu tư vào TPDN, nếu có thì thường đầu tư qua các quỹ ETF (Exchanged-traded Fund) mà danh mục của các quỹ này thường gồm TP của các DN được xếp hạng tín nhiệm khá tốt.
Nhưng ở một thị trường có nhiều DN phát hành TP thì việc tự đánh giá mức độ rủi ro của nhiều TP cùng một lúc là hầu như không thể với một NĐT tổ chức. Do đó, các NĐT này phải dựa vào các tổ chức trung gian thứ ba thực hiện việc xếp hạng tín nhiệm độc lập.
Xếp hạng tín nhiệm không thể kéo dài
Trên thị trường xếp hạng tín nhiệm thế giới, thị phần coi như nằm trong tay 3 ông lớn là S&P, Fitch và Moody’s, mặc dù các nước hầu như đều có các công ty xếp hạng tín nhiệm nội địa. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có sự khác biệt đáng kể trong kết quả xếp hạng giữa các tổ chức nội địa và quốc tế.
Như ở Trung Quốc chẳng hạn, chênh lệch xếp hạng giữa tổ chức nội địa và tổ chức quốc tế lên đến khoảng 6,7 bậc (notch).
Còn sự phát triển của thị trường TPDN ở Việt Nam gần đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy các kênh trao đổi vốn ngày càng đa dạng hơn, bớt phụ thuộc vào nguồn vốn vay NH hay phát hành cổ phiếu.
Và để hỗ trợ thị trường TPDN phát triển, hoạt động xếp hạng tín nhiệm là hết sức cần thiết. Việc này không chỉ giúp cho các NĐT, các tổ chức tín dụng có thêm thông tin để đưa ra quyết định, mà còn có ích cho các đối tác trong tương lai của DN được xếp hạng.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, dự kiến đến năm 2030 sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho tối đa 5 DN.
Kể từ tháng 6-2020, đã có 2 đơn vị được cấp phép xếp hạng tín nhiệm độc lập và thị trường vẫn đang mong đợi các xếp hạng được công bố cũng như các giấy phép mới được cấp trong quota còn lại. Nhưng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng có những mặt trái mà thị trường phải lưu ý, nhất là các thị trường mới bắt đầu như Việt Nam.
Và những vấn đề cần lưu ý
Sau vụ tai tiếng của Enron và Worldcom năm 2002, thị trường tài chính thế giới lại bị một cú sốc lớn ở cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, mà một phần nguyên nhân đến từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Chỉ trong vài tháng của năm 2008, 14.000 tỷ USD TP có thứ hạng cao chuyển sang thành TP rác (junk bonds), kéo theo hàng loạt vụ phá sản và khủng hoảng tài chính.
--------------
(*) Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM và IPAG Business School Paris, thành viên Tổ chức AVSE Global
TS. VÕ ĐÌNH TRÍ (*)